Tiêu chí chất lượng sản phẩm cà chua tươi

tieu-chi-chat-luong-voi-qua-ca-chua-1

 Cây cà chua trước khi đến tay người tiêu dùng cần đạt được kết quả chất lượng như thế nào, nguồn gốc và đặc tính sinh trưởng của cây Cà chua, bao gói vận chuyển như thế nào, sau đây Hoa cảnh Đô Xu xin giới thiệu đến các bạn

GIỐNG VÀ ĐẶC ĐIỂM CHUNG

  1. Giống:

          Các giống cà chua áp dụng tiêu chí: cà chua cherry; cà chua beef, cà chua thường: kim cương, nova…

  1. Đặc điểm chung

Cà chua có nguồn gốc từ Nam Mỹ, là loại cây sống lâu năm tại vùng bản địa, cà chua thường phát triển mạnh mẽ tại các vùng có khí hậu ôn đới. Cà chua là giống cây dài ngày có thể chịu hạn và có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện tự nhiên không quá khắc nghiệt. Đặc điểm tổng quan về cây cà chua:

– Thân cây: Thân thảo, tròn, thẳng đứng, màu xanh, phủ lông, khi trưởng thành gốc thân dần dần hóa gỗ.

– Rễ: rễ chùm, phân nhánh mạnh và có rễ phụ, rễ thường ăn sâu nên cây cà chua chịu hạn rất tốt.

– Lá: thuộc loại lá kép, có răng cưa, nhám, có lông, môi lá có 3-4 đôi lá chét.

– Hoa: mọc thành từng chùm, lưỡng tính, có màu vàng, 5 cánh, một chùm hoa thường có 5-20 hoa và số lượng có thể thay đổi tùy theo giống.

– Quả: mọng nước, có hình dạng từ tròn, bầu dục đến dài tùy giống, màu sắc cũng được quyết định tùy vào giống.

TIÊU CHÍ VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM

  1. 1. Yêu cầu về chất lượng

1.1. Yêu cầu tối thiểu

Tùy theo các yêu cầu cụ thể cho từng loại và sai số cho phép, tất cả các loại cà chua quả tươi phải:

– Nguyên vẹn;

– Lành lặn, không bị dập nát hoặc hư hỏng đến mức không phù hợp cho sử dụng;

– Sạch, không có tạp chất lạ nhìn thấy bằng mắt thường;

– Không có và không bị sinh vật hại gây ảnh hưởng đến hình thức quả;

– Không bị ẩm bất thường ở ngoài vỏ, trừ khi bị ngưng tụ nước do vừa đưa ra từ thiết bị bảo quản lạnh;

– Không có bất kỳ mùi và/hoặc vị lạ;

-Trong trường hợp cà chua quả tươi dạng chùm, cành phải còn tươi, khỏe, sạch, không có lá và tạp chất;

– Cà chua quả tươi phải phát triển đầy đủ và có độ chín thích hợp.Độ phát triển và độ chín của cà chua quả tươi phải sao cho quả có thể chín tiếp và đạt tới độ chín sinh lý thích hợp;

– Độ phát triển và trạng thái của cà chua quả tươi phải phù hợp để chúng có thể:

+ Chịu được vận chuyển và bốc dỡ;

+ Đến được nơi tiêu thụ với trạng thái tốt;

1.2. Phân loại

Cà chua quả tươi được phân thành ba loại như sau:

1.2.1. Loại đặc biệt

Cà chua quả tươi thuộc loại này phải có chất lượng cao nhất. Phần thịt quả phải chắc, hình dạng, vẻ bên ngoài và độ phát triển của quả phải đặc trưng cho từng giống.

Cà chua quả tươi phải đồng đều về kích cỡ. Tùy theo độ chín, màu sắc của cà chua quả tươi phải đáp ứng các yêu cầu đưa ra của loại đặc biệt.

Cà chua quả tươi không được có phần sần xanh cứng và các khuyết tật khác, ngoại trừ một vài khuyết tật rất nhẹ không ảnh hưởng đến hình thức bên ngoài, chất lượng, sự duy trì chất lượng và cách trình bày sản phẩm trong bao bì.

1.2.2. Loại 1

Cà chua quả tươi thuộc loại này phải có chất lượng tốt. Phần thịt quả phải chắc, hình dạng, vẻ bên ngoài và độ phát triển của quả phải đặc trưng cho từng giống.

Cà chua quả tươi phải đồng đều về kích cỡ, không bị nứt hoặc không có phần sần xanh cứng có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Cho phép có các khuyết tật nhẹ, miễn là không ảnh hưởng đến hình thức bên ngoài, chất lượng, sự duy trì chất lượng và cách trình bày sản phẩm trong bao bì:

– Khuyết tật nhẹ về hình dạng và độ phát triển;

– Khuyết tật nhẹ về màu sắc;

– Khuyết tật nhẹ trên vỏ quả;

– Vết thâm rất nhẹ.

Đối với cà chua beef cho phép các khuyết tật nhưng:

– Không có vết nứt đã liền có chiều dài quá 1 cm;

– Không có nhiều vết sần;

– Núm quả nhỏ nhưng không bị rám;

– Diện tích các vết rám phần rốn quả không quá 1 cm2;

– Không có vết sẹo dài quá 2/3 đường kính lớn nhất của quả.

1.2.3. Loại 2

Cà chua quả tươi thuộc loại này không đáp ứng được các yêu cầu trong các loại cao hơn nhưng phải đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu quy định loại 1

Cà chua quả tươi loại này phải có thịt quả chắc (nhưng có thể mềm hơn so với loại 1) và không được có các vết nứt chưa lành.

Cho phép có các khuyết tật sau, nhưng vẫn phải đảm bảo các đặc tính cần thiết liên quan đến chất lượng, sự duy trì chất lượng và cách trình bày:

– Khuyết tật về hình dạng, độ phát triển và màu sắc;

– Khuyết tật trên vỏ quả hoặc bị thâm, nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng tới quả;

– Vết nứt đã lành có chiều dài không quá 3 cm đối với cà chua quả tròn, cà chua múi và cà chua bi dài.

Riêng đối với cà chua beef cho phép:

– Có nhiều vết sần hơn loại 1, nhưng quả không được méo;

– Có một núm quả;

– Diện tích các vết rám phần rốn quả không quá 2 cm2;

– Vết sẹo của quả phải lành.

2. Yêu cầu về kích cỡ

Khi phân loại theo đường kính, kích cỡ được xác định bằng đường kính mặt cắt lớn nhất của quả.

Phân loại kích cỡ không áp dụng cho cà chua quả tươi ở dạng chùm.

Phân loại kích cỡ không bắt buộc đối với cà chua quả tươi loại II.

Phân loại kích cỡ cà chua quả tươi theo một trong các cách sau:

(a) Cà chua quả tươi được phân loại kích cỡ theo quy định trong bảng sau:

Mã kích cỡ Đường kính (mm)
0 20
1 > 20 – 25
2 > 25 – 30
3 > 30 – 35
4 > 35 – 40
5 > 40 – 47
6 > 47 – 57
7 > 57 – 67
8 > 67 – 82
9 > 82 -102
10 > 102

Hoặc

(b) Cà chua quả tươi được phân loại kích cỡ theo sự đồng đều như sau:

Chênh lệch tối đa về đường kính giữa các quả cà chua trong cùng một bao bì phải được giới hạn:

– 10 mm, nếu đường kính của quả nhỏ nhất (theo dấu hiệu nhận biết trên bao bì) là dưới 50 mm;

– 15 mm, nếu đường kính của quả nhỏ nhất (theo dấu hiệu nhận biết trên bao bì) bằng hoặc lớn hơn 50 mm nhưng nhỏ hơn 70 mm;

– 20 mm, nếu đường kính của quả nhỏ nhất (theo dấu hiệu nhận biết trên bao bì) bằng hoặc lớn hơn 70 mm nhưng nhỏ hơn 100 mm;

– không có sự giới hạn về chênh lệch đường kính đối với quả lớn hơn hoặc bằng 100 mm.

Hoặc

(c) Cà chua quả tươi có thể được phân loại theo đường kính hoặc khối lượng chiếu theo quy định của nước nhập khẩu.

3. Yêu cầu về sai số

Cho phép sai số về chất lượng và kích cỡ trong mỗi bao bì đối với sản phẩm không đáp ứng các yêu cầu của mỗi loại quy định.

3.1. Sai số về chất lượng

3.1.1. Loại đặc biệt

Cho phép 5 % số lượng hoặc khối lượng cà chua quả tươi không đáp ứng yêu cầu của loại “đặc biệt” nhưng đạt chất lượng loại 1 hoặc nằm trong giới hạn sai số của loại 1.

3.1.2. Loại 1

Cho phép 10 % số lượng hoặc khối lượng cà chua quả tươi không đáp ứng yêu cầu của loại 1 nhưng đạt chất lượng loại 2 hoặc nằm trong giới hạn sai số của loại 2.

Trường hợp cà chua quả tươi ở dạng chùm, không được lẫn trên 5 % số lượng hoặc khối lượng cà chua ở dạng rời.

3.1.3. Loại 2

Cho phép 10 % số lượng hoặc khối lượng cà chua quả tươi không đáp ứng yêu cầu của loại 2 cũng như các yêu cầu tối thiểu, nhưng không có quả bị thối hoặc bất kỳ hư hỏng nào khác không thích hợp cho việc sử dụng.

Trường hợp cà chua quả tươi ở dạng chùm, không được lẫn trên 10 % số lượng hoặc khối lượng cà chua ở dạng rời.

3.2. Sai số về kích cỡ

Đối với tất cả các loại, cho phép 10 % số lượng hoặc khối lượng cà chua quả tươi không đáp ứng yêu cầu về kích cỡ nhưng có đường kính lớn hơn hoặc nhỏ hơn 10 mm so với kích cỡ cà chua quả tươi của loại đó.

4. Yêu cầu về cách trình bày, đóng gói

– Cà chua quả tươi trong mỗi bao bì phải đồng đều và chỉ gồm các quả có cùng xuất xứ, giống hoặc dạng thương phẩm, chất lượng và kích cỡ (nếu phân loại theo kích cỡ).

– Đối với loại “đặc biệt” và loại 1 thì độ chín và màu sắc của cà chua quả tươi phải đồng đều.

– Phần cà chua quả tươi nhìn thấy được phải đại diện cho toàn bộ quả trong bao bì.

– Sản phẩm được đóng gói bằng các loại bao bì thích hợp. Bao bì sản phẩm phải đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không biến dạng, rách, vỡ, hư hỏng làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

5. Quy định về nhãn mác

Mỗi bao nhãn phải chứa thông tin dưới đây, viết bằng chữ rõ ràng, không thể tẩy xóa và có thể nhìn từ bên ngoài

– Thông tin tối thiểu in trên nhãn:

+ Tên sản phẩm:

+ Doanh nghiệp/ đơn vị/ chủ hộ phân phối sản phẩm

+ Địa chỉ:

+ Địa điểm sản xuất:

+ Nguồn gốc giống sản xuất:

+ Ngày thu hoạch:

+ Hạn sử dụng:

+ Bảo quản ở nhiệt độ:

– Phải dán tem truy xuất nguồn gốc chứa mã QR code, tem thể hiện những thông tin tối thiểu sau:

+ Tên sản phẩm

+ Nguồn gốc xuất xứ sản phẩm

+ Mức độ an toàn

+ Nơi phân phối và cung cấp

+ Quy trình sản xuất

+ Cách bảo quản và đóng gói sản phẩm

6. Bảo quản và vận chuyển sản phẩm

6.1. Bảo quản cà chua

Sau khi thu hoạch cà chua cần phải tiến hành phân loại và tuyển chọn trước khi đưa vào bảo quản. Việc phân loại và bảo quản sẽ tránh được sư hư hỏng sớm của quả.

– Thời gian bảo quản:

+ Bảo quản cà chua xanh, làm chậm chín thì cần giữ ở nhiệt độ 10o C, độ ẩm khoảng 80-90%, bảo quản được 4-6 tháng. Nếu ở 4-5 0C thì quá trình chín của cà chua bị dừng, mất khả năng chín;

+ Bảo quản cà chua xanh nhưng muốn chín nhanh thì cần giữ nhiệt độ 20-250C trong 1 tuần;

+ Bảo quả cà chua vừa chín tới thì bảo quản ở nhiệt độ thường không quá 2 ngày;

+ Bảo quản cà chua chín đỏ, mềm thì bảo quản 2-30C trong 1 ngày.

– Kho bảo quản

+ Bảo quản cà chua trong thời gian ngắn: kho cần thoáng, sạch sẽ cao ráo và không cần phải thông gió nhân tạo, vì sẽ làm hơi nước ở cà chua bốc đi nhiều

+ Bảo quản cà chua trong thời gian dài: cần sử dụng kho lạnh, nhiệt độ từ 0 °C đến 2 °C, độ ẩm tương đối: từ 90 % đến 95 %.

6.2.Vận chuyển

– Vận chuyển bằng xe lạnh khi vận chuyển xa tốn nhiều thời gian, luôn duy trì ở nhiệt độ từ 0-50C.

– Vận chuyển bằng phương tiện thông thường không được làm lạnh nếu vận chuyển đến nơi gần.

– Để hạn chế thấp nhất những hao tổn trong quá trình vận chuyển cần chú ý những điểm sau :

+ Giữ chặt các thùng hàng trong từng một khối, đảm bảo cho các thùng hàng không bị trật ra trong quá trình vận chuyển.

+ Cần che phủ để tránh mưa, nắng và gió to. Sử dụng vải bạt để che phủ tránh mưa ướt, phơi sản phẩm dưới trời nóng và dưới trời gió trong quá trình vận chuyển. Quả bị ẩm ướt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn và thối hỏng, phơi nắng gió làm quả bị nóng lên mất hơi nước và héo quả. Cần đảm bảo sự thông khí thích hợp để tránh hiện tượng nóng cục bộ hoặc sự yến khí làm tăng nhiệt độ.

7. Tiêu chí về phân tích chất lượng sản phẩm

– Phân tích dư lượng thuốc BVTV tối thiểu 6 tháng/ lần.

– Phân tích các chỉ tiêu giới hạn tối đa cho phép đối với hóa chất ô nhiễm và vi sinh vật gây hại theo quy định tại: QCVN 8-2:2011/BYT; QCVN 8-3:2012/BYT; Thông tư 50/2016/TT-BYT;

8. Tiêu chí về nguồn gốc sản phẩm:

– Đối với cơ sở thu gom sơ chế, chế biến kinh doanh rau củ quả phải có hợp đồng nguyên liệu sản phẩm giữa các hộ liên kết cung cấp sản phẩm, có hồ sơ ghi chép tiếp nhận nguyên liệu, vật tư đầu vào.

– Đối với cơ sở, hộ gia đình sản xuất rau phải có nhật ký sản xuất.

9. Tiêu chí về chứng nhận đối với các cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh.

– Phải được chứng nhận sản xuất an toàn theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt theo VieGAP hoặc các GAP khác được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận/hoặc được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp;

– Phải được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định  tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

        – Đối với cơ sở sản xuất, sơ chế ban đầu nhỏ lẻ: Có bản cam kết sản xuất rau an toàn theo Điều 4 tại Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về quy định phương thức quản lý điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN & PTNT.

 

0969 269 170
0373237905